Nguồn gốc Mạt_chược

Có giả thuyết cho rằng, mạt chược do một nhà quý tộc ở Thượng Hải sáng tác khoảng những năm 1850, có người nói rằng khoảng từ 1870-1875, và khởi đầu nó là những con bài làm bằng giấy. Không hiểu từ khi nào nó trở thành những con bài bằng chất liệu cứng như hiện nay.

Dù là một môn giải trí nhưng nó đòi hỏi người chơi phải có trình độ, hơn nữa việc chế tác những con bài đòi hỏi nhiều công phu và dĩ nhiên tốn kém, ngay cả trước 1975 ở miền Nam Việt Nam, chỉ những dân trí thức hoặc giàu mới chơi mạt chược, còn giới bình dân thì ít ai biết đến, cũng chỉ vì nó khó học, khó chơi và rất đắt tiền khi sắm bài, sắm bàn.

Những bộ mạt chược ngày xưa thường được làm bằng gỗ hoặc xương, riêng bài của những đại phú gia, các vương tôn công tử hoặc giới quý tộc, hoàng thân quốc thích thì nghe nói được làm bằng ngà voi. Ngày nay, hầu hết bài mạt chược được làm từ nhựa PVE hoặc PVC. Những bộ bài thường thì các quân bài được dập và sơn bằng máy, bài đặc biệt được khắc bằng tay. Trước năm 1975, trong Chợ Lớn nhiều người dùng máy khắc thẻ bài để khắc bài mạt chược vì thế những quân bài có đường nét rất thanh và đẹp. Nhưng dù làm bằng chất liệu gì, bài mạt chược vẫn phải đạt được một số yếu tố như vuông vức, đều đặn, không tì vết, phải bền chắc và tạo ra âm thanh vui tai khi va chạm với nhau.

Bên cạnh đó, việc chơi mạt chược còn được gọi là "xoa mạt chược". Sở dĩ nó được gọi như vậy, vì khi chuẩn bị chia bài, người chơi sẽ xoa bộ bài trên mặt bàn để trộn bài, thay vì xào bài liên tục trong hai bàn tay như tú lơ khơ, tam cúc, tứ sắc, tổ tôm....